10 sự kiện nổi bật của ngành Y tế năm 2017

Nghị quyết của Trung ương về công tác chăm sóc sức khỏe, công tác dân số trong tình hình mới; Việt Nam tự chủ được vaccine Sởi - Rubella; nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được ứng dụng thành công trong lĩnh vực ghép tạng; sự cố chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình khiến 8 người tử vong; nhiều bác sĩ bị hành hung khi đang làm nhiệm vụ… là những sự kiện nổi bật năm 2017 vừa được Bộ Y tế công bố.
10 sự kiện nổi bật của ngành Y tế năm 2017

1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Sau 25 năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII đã ban hành 2 Nghị quyết thay thế cho Nghị quyết Trung ương 4 khóa VII năm 1992 với những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp, nhằm nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam; xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Phát triển nền y học khoa học, dân tộc và đại chúng… Đồng thời, giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội.

2. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được ứng dụng thành công trong lĩnh vực ghép tạng. Ngày 21/2/2017, Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y) đã phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên trên người tại Việt Nam. Bệnh nhân được ghép là cháu bé 6 tuổi.Trường hợp ghép tim nhỏ tuổi nhất tại Việt Nam, đó là bệnh nhân Nguyễn Thành Đạt (10 tuổi), với chẩn đoán cơ tim giãn nở do suy tim giai đoạn cuối, không còn giải pháp điều trị khác ngoài ghép. Ngày 15/3, ca ghép kéo dài khoảng 10 tiếng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thành công.

Bệnh viện Chợ Rẫy lập 8 kỷ lục Việt do Hội Kỷ lục Việt Nam xác nhận, đó là các kỷ lục về "Bệnh viện thực hiện ca phẫu thuật ghép thận từ người hiến thận chết não đầu tiên tại Việt Nam”; “Bệnh viện tổ chức và thực hiện quy trình ghép thận từ người hiến tim ngừng đập đầu tiên tại Việt Nam”; “Đơn vị thực hiện nhiều ca ghép thận nhất Việt Nam”; “Đơn vị tổ chức vận chuyển tạng hiến với hành trình chuyển tạng dài nhất từ Nam ra Bắc để cứu người”; “Người thực hiện ca ghép thận từ người hiến thận chết não đầu tiên tại Việt Nam”; “Người thực hiện ca phẫu thuật lấy và ghép thận từ người hiến thận tim ngừng đập đầu tiên tại Việt Nam”; “Người tổ chức điều phối tạng hiến với hành trình chuyển tạng dài nhất từ Nam ra Bắc để cứu người”; “Người thực hiện ca ghép thận đổi chéo người cho đầu tiên tại Việt Nam”.

3. Đưa chi phí tiền lương vào giá dịch vụ y tế góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và tăng tỷ lệ bảo hiểm y tế (BHYT) gần 86%. Việc lần đầu tiên đưa chi phí tiền lương vào giá dịch vụ y tế cơ bản không làm ảnh hưởng đến các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn… vì các đối tượng này đã được Nhà nước mua thẻ hoặc hỗ trợ phần lớn để mua BHYT. Phần tăng thêm do Bảo hiểm Xã hội thanh toán, tạo điều kiện cho các bệnh viện nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, phục vụ người có thẻ BHYT được tốt hơn, khuyến khích các bệnh viện tuyến dưới phát triển các kỹ thuật y tế, giảm tải tuyến trên.

Mức giá có tiền lương chỉ áp dụng cho người có thẻ BHYT nên không ảnh hưởng đến người chưa tham gia BHYT, mặt khác khuyến khích người dân mua BHYT. Ước tính năm 2017, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 86%.

4. Việt Nam tự chủ sản xuất vaccine Sởi-Rubella. Việt Nam tự hào trở thành 1 trong 4 nước châu Á có thể tự sản xuất vaccine phối hợp Sởi - Rubella sau Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Đây là lần đầu tiên Việt Nam sản xuất được vaccine 2 trong 1 trên dây chuyền công nghệ hiện đại. Vaccine này đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành vào tháng 3/2017, Dự án đã hoàn thành sớm hơn 1 năm so với kế hoạch thực hiện thông qua Dự án Tăng cường năng lực sản xuất vaccine Sởi - Rubella do Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA sẽ kết thúc vào tháng 3/2018.

5. Lập hồ sơ sức khỏe cá nhân tại trạm y tế xã và triển khai Đề án tăng cường y tế cơ sở. Lần đầu tiên việc lập hồ sơ sức khỏe cá nhân gắn với BHYT toàn dân và chăm sóc sức khỏe toàn dân được thực hiện. Với hơn 11.400 trạm y tế cấp xã, trong đó 78% số trạm có bác sĩ làm việc là điều rất thuận lợi cho việc triển khai việc quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân. Đây là tuyến y tế gần dân nhất, nhanh nhất thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu. Tuy nhiên, hiện tuyến y tế này vẫn chưa phát huy tối đa hiệu quả do những khó khăn về cơ chế tài chính, khả năng cung ứng dịch vụ...

Do đó, cùng với việc bao phủ y tế toàn dân để bảo đảm cơ chế tài chính, quyết tâm của Chính phủ thực hiện việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe sẽ tạo ra một cơ chế mới, khắc phục được khó khăn này, trở thành một trong những bước thực hiện bao phủ toàn diện về chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tại cơ sở.

6. Hệ thống thông tin tiêm chủng Quốc gia được đưa vào sử dụng. Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng Quốc gia đã được khai trương vào ngày 24/3/2017, hệ thống đã được áp dụng và triển khai trên phạm vi toàn quốc từ ngày 1/6/2017 tại 63 tỉnh/thành phố với 12.877 đơn vị. Đến nay, Hệ thống đã ghi nhận 8.713.381 đối tượng. Hệ thống bảo đảm quản lý tất cả các đối tượng tiêm chủng, là trẻ em, phụ nữ theo mã ID, quản lý suốt đời từ khi trẻ sinh ra, quản lý vật tư vaccine và các tiện ích khác cho người dùng như quét mã vạch đối tượng, nhắn tin cho người dân, cổng thông tin tra cứu lịch sử tiêm chủng. Hệ thống thực hiện quản lý quá trình, toàn diện các công tác tiêm chủng cho cán bộ trực tiếp và cán bộ quản lý 4 tuyến từ Trung ương.

7. Đấu thầu thuốc tập trung quốc gia giúp giảm chi phí thuốc, tiết kiệm ngân sách. Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia đã tiến hành mở gói thầu mua sắm tập trung đầu tiên, gồm 5 gói thầu là 5 hoạt chất thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp Quốc gia. Tổng giá trúng thầu là hơn 2.269 tỷ đồng, so với tổng giá kế hoạch của 5 gói thầu này là 2.746 tỷ đồng, đã tiết kiệm được trên 477 tỷ đồng (17%) so với giá kế hoạch. Trong đó, các biệt dược tiết kiệm được khoảng hơn 114 tỷ đồng (giảm 6,9% so với giá kế hoạch gói thầu); các thuốc generic tiết kiệm được hơn 362 tỷ đồng (giảm 33% so với giá kế hoạch).

8. Đổi mới, sắp xếp hệ thống y tế theo hướng tinh gọn bộ máy trên cơ sở sáp nhập các trung tâm y tế không có giường bệnh thành trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố. Nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả cho các trung tâm y tế không có giường bệnh tại địa phương, cuối năm năm 2015, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành Thông tư Liên tịch số 51/2015/TTLT-BNV-BYT, theo đó sẽ giảm trung bình mỗi tỉnh 5 đơn vị và tiến tới sẽ giảm 315 đơn vị tại 63 tỉnh, thành phố. Như vậy, sẽ giảm ít nhất 1.260 vị trí lãnh đạo (cấp Trưởng, Phó các đơn vị). Bên cạnh đó, sẽ giảm biên chế làm gián tiếp trong các tổ chức như: Hành chính, văn thư, tổ chức, lái xe, bảo vệ.

9. Sự cố hy hữu xảy ra khi chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Sáng 29/5/2017, 18 người đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình xuất hiện các dấu hiệu sốc phản vệ sau một giờ chạy thận nhân tạo. 8 người sau đó lần lượt tử vong, 10 người may mắn sống sót được chuyển khẩn cấp sang Bệnh viện Đa khoa TP Hòa Bình chạy thận tiếp, sau đó đưa về Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trong đêm.

Qua quá trình điều tra, Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) đã thành lập tổ công tác đặc biệt giám định các máy móc dùng liên quan. Theo kết luận giám định, mẫu nước thu tại đầu cấp vào máy lọc thận số 10, số 13 có độ pH rất thấp, độ dẫn điện rất cao, hàm lượng Floura cao gấp 245 và 260 lần mức cho phép. Các mẫu nước này đều không đạt tiêu chuẩn chất lượng nước sử dụng cho chạy thận nhân tạo theo tiêu chuẩn AAMI. Ngoài hai máy lọc thận trên, mẫu nước giám định tại các máy chạy thận nhân tạo khác cũng có hàm lượng Florua vượt ngưỡng an toàn hàng trăm lần...

10. Nhiều vụ hành hung, tấn công thầy thuốc khi làm nhiệm vụ cộng đồng và các cơ quan báo chí lên án những hành vi côn đồ, vi phạm pháp luật của những kẻ đã tấn công bạo lực đối với thầy thuốc. Như một số vụ việc tại Bệnh viện Thạch Thất, Bệnh viện 115 (Nghệ An), Trạm Y tế xã Hương Long (Hà Tĩnh), Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, Bệnh viện 115 Thái Bình… Ngành Y tế cũng lên tiếng kêu gọi chính quyền và các cơ quan bảo vệ pháp luật tại địa phương xem xét và có những hình thức xử phạt thích đáng đối với những kẻ đã gây thương tích cho các thầy thuốc, đồng thời, kêu gọi chính quyền địa phương các cấp chủ động phối hợp với ngành Y tế áp dụng những biện pháp an ninh cần thiết để bảo đảm an toàn cho các nhân viên y tế, phối hợp với công an sở tại triển khai các biện pháp bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân viên y tế; kêu gọi các cơ quan báo chí và cộng đồng lên án mạnh mẽ những hành vi bạo lực nhằm vào nhân viên y tế.